Quyết định số 664/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trận” giai đoạn 2008 – 2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _____
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
________
Số:
664/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _________
Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2008
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án “Đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp
quận, huyện và xã, phường, thị trận”
giai đoạn 2008 – 2012
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số
161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Xét đề nghị của Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp
quận, huyện và xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2008 – 2012, với những nội dung
chính sau đây:
1. Mục tiêu, đối tượng và nội
dung đào tạo, bồi dưỡng của Đề án:
a) Mục tiêu chung:
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện (sau đây gọi là cấp huyện) và
xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có
phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực về công tác phụ nữ, đảm bảo tiêu chuẩn chức
danh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ
vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
b) Đối tượng, nội dung đào tạo,
bồi dưỡng và mục tiêu cụ thể đến năm 2012:
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
cấp xã dưới 45 tuổi có trình độ trung học cơ sở trở lên, chưa đạt chuẩn về trình
độ chuyên môn (chưa có trình độ trung cấp chuyên môn) được đào tạo trung cấp
ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác phụ nữ.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội
Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện (đã có bằng cử nhân) chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ
được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ (chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ 1
tháng).
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
xã và cán bộ trong quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã chưa
qua bồi dưỡng nghiệp vụ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ (chương trình
bồi dưỡng 3 tháng).
2. Các nhiệm vụ chủ yếu của Đề
án:
a) Phân tích, đánh giá trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ công tác phụ nữ của cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ
cấp huyện và cấp xã; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng
nghiệp vụ công tác phụ nữ đối với cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp
huyện, cấp xã trong 5 năm (2008 – 2012) và hàng năm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ công tác phụ nữ cho cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ
cấp huyện và cấp xã theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
b) Hoàn thiện chương trình,
giáo trình trung cấp ngành công tác xã hội chuyên ngành công tác phụ nữ để đào
tạo chuẩn hóa về chuyên môn công tác phụ nữ cho cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp
Phụ nữ cấp huyện và cấp xã, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo,
bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ theo hướng nâng cao nhận thức chính trị,
nhận thức về giới, năng lực tổ chức các hoạt động Hội và kỹ năng vận động quần
chúng.
c) Tăng cường đội ngũ giảng
viên cho Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, các trường chính trị tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội
Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã.
d) Xây dựng và hoàn thiện chế
độ, chính sách, cơ chế về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ
cấp huyện và cấp xã.
3. Các giải pháp cơ bản:
a) Thực hiện phân cấp trong
hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giữa Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và các trường
chính trị tỉnh. Trong đó kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ
do Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương làm đầu mối, có sự phối hợp thực hiện với các
trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Đa dạng hóa nội dung, hình
thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh và vùng miền
khác nhau.
c) Xây dựng năng lực cho đội
ngũ giảng viên tham gia Đề án, bao gồm giảng viên Trường Cán bộ Phụ nữ Trung
ương, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trung tâm
chính trị huyện và đội ngũ cộng tác viên từ các cấp Hội và từ các trường đại học
trong cả nước.
d) Xây dựng, hoàn thiện chế độ,
chính sách, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp
huyện và cấp xã.
4. Kinh phí thực hiện Đề án:
a) Kinh phí thực hiện Đề án
được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chương trình đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Kinh phí do ngân sách trung
ương bảo đảm bao gồm những nội dung công việc sau:
- Biên soạn giáo trình chuẩn về
công tác phụ nữ.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng do
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trực tiếp thực hiện.
- Hỗ trợ một phần cho các tỉnh
miền núi khó khăn, hàng năm phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương.
- Tổ chức chỉ đạo kiểm tra và
các chi phí khác có liên quan.
c) Kinh phí do ngân sách địa
phương đảm bảo gồm những nội dung công việc sau:
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng,
đào tạo cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ chốt cấp huyện và cấp xã tại địa
phương.
- Tổ chức chỉ đạo kiểm tra và
các chi phí khác có liên quan.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các chương trình đào
tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định hiện hành.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
giảng viên giảng dạy các chương trình liên quan.
- Thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ
công tác phụ nữ cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và đào tạo chương trình trung cấp
ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác phụ nữ cho cán bộ chủ chốt cấp
huyện và cấp xã.
- Trên cơ sở quy hoạch, kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp
xã, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính về kế ho��ch đào tạo, bồi dưỡng; lập dự toán kinh phí hàng năm và thanh
toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thuộc trách nhiệm của Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam; tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho
các tỉnh miền núi khó khăn gửi Bộ Tài chính để trình cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt để cấp hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo quy định.
- Định kỳ theo dõi, tổng hợp,
kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Đề án và báo cáo Thủ tướng
Chính phủ và Bộ Nội vụ.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các Sở Giáo dục đào
tạo phối hợp với Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và các trường chính trị tỉnh,
thành phố tổ chức các lớp học cho các đối tượng chưa có bằng phổ thông trung học
được đào tạo trung cấp hệ 3 năm.
- Hướng dẫn việc tuyển sinh đào
tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành công tác xã hội chuyên ngành công tác
phụ nữ hệ 3 năm và 2 năm theo từng năm, bảo đảm mục tiêu của Đề án này.
c) Bộ Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, chính sách đối với
cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã khi tham gia các khóa
đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đến các đối tượng là cán bộ Hội vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ Hội là người dân tộc thiểu số; cán bộ Hội có con
nhỏ…
d) Bộ Tài chính:
Căn cứ đề nghị của Trung ương
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức của Bộ Nội vụ và khả năng ngân sách nhà nước hàng năm, thẩm tra và tổng hợp
kinh phí thực hiện Đề án bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình
cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
- Đưa kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã vào kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố.
- Căn cứ vào thực trạng, nhu
cầu và kế hoạch hàng năm của Đề án, chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp
với trường chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt
Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã để trình duyệt kinh phí và thực hiện
đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo của tỉnh được giao
nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và
cấp xã.
- Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã đáp ứng tiêu
chuẩn chức danh thuộc phạm vi Đề án này và dự toán ngân sách hàng năm để bố trí
ngân sách thực hiện Đề án.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ,
Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TH (5b).
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
Thuộc tính văn bản
Số/Ký hiệu
664/QĐ-TTG
Ngày ban hành
02/06/2008
Người ký
Nguyễn Tấn Dũng
Trích yếu
Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trận” giai đoạn 2008 – 2012